SELF-HEALING | TỰ CHỮA LÀNH TỔN THƯƠNG TÂM LÝ (PHẦN 1)
Trauma is not what happens to you; trauma is what happens inside you as a result of what happens to you.
— Gabor Mate
Trauma – những sang chấn tâm lý không phải là thứ xảy ra với bạn, nó là thứ xảy ra bên trong bạn như 1 kết quả của những gì xảy đến với bạn.
Trong bài này, thay vì dùng cụm từ chuyên ngành “sang chấn tâm lý”, mình sẽ thay nó bằng “tổn thương tâm lý” để mọi người có thể liên hệ với bản thân dễ dàng hơn. Bởi phần lớn trong chúng ta vẫn nghĩ rằng “sang chấn tâm lý” hẳn phải là điều gì to tát lắm và nó chỉ tồn tại ở những người có những triệu chứng tâm lý rõ ràng như âu lo, trầm cảm.
Sự thật là, hầu hết chúng ta đều giữ trong mình những tổn thương tâm lý với các mức độ, sắc thái khác nhau. Nó có thể là kết quả của 1 tuổi thơ không được cha mẹ thật sự lắng nghe, thấu hiểu hay tôn trọng, bị bỏ rơi về mặt cảm xúc, lạm dụng về tinh thần, bạo hành về thể xác. Nó cũng có thể là những tổn thương mà chúng ta được truyền lại từ thế hệ ông bà, cha mẹ (transgenerational trauma) – những người lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh, đói nghèo với nhiều sự kiện chấn động. Những tổn thương này tạo ra sự thay đổi trong bộ não (google “trauma brain and normal brain” để so sánh), tác động lên cách chúng ta nhìn nhận bản thân cũng như nhìn nhận Thế giới xung quanh. Cho đến khi được nhận biết và chữa lành, nó sẽ là điều cản trở bạn sống 1 cuộc sống lành mạnh, viên mãn với những mối quan hệ có kết nối thật sự chân thành, đầy thấu hiểu và sâu sắc.
BẠN BIẾT MÌNH CẦN ĐƯỢC CHỮA LÀNH KHI NÀO?
Thành viên trong gia đình bạn mang những tổn thương chưa được chữa lành (thể hiện rõ ở thế giới quan và thái độ sống của họ)
Bạn thường xuyên bị hấp dẫn bởi những con người và mối quan hệ độc hại/phụ thuộc lẫn nhau.
Bạn có xu hướng tự hủy hoại mình (self-sabotage): chán ghét, bỏ bê bản thân cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Bạn dễ dàng bị kích động vì lời nói, hành động của người khác. Bạn thường xuyên phản ứng theo những cảm xúc nhất thời của mình.
Ranh giới cá nhân của bạn mờ nhạt. Bạn khó nói “Không” và thường cảm thấy cần làm hài lòng người khác.
Bạn không cho phép bản thân được mắc sai lầm. Bạn luôn cố giữ một hình ảnh hoàn hảo, tỏ ra mình mạnh mẽ.
Bạn luôn cảm thấy cuộc sống của mình bế tắc, đầy thất vọng và bạn không có khả năng thay đổi nó.
Bạn thường thấy mình ở vị trí hạ thấp người khác qua việc đặt điều, nói xấu, chỉ trích hay phán xét người khác.
Bạn tự thấy mình là người “tiêu cực”, luôn không cảm thấy “đủ” và thường xuyên so sánh bản thân mình với người khác.
Những tổn thương tâm lý khiến chúng ta tin rằng bản thân mình không xứng đáng được yêu thương. Vì niềm tin này, chúng ta phản bội bản thân bằng việc không sống thật với chính mình và lặp lại những patterns (kiểu mẫu) để củng cố niềm tin đó. Chúng ta than vãn về cuộc sống, phán xét người khác, trách móc bản thân và số phận, đồng thời tiếp tục vô thức để nó lặp lại những thói quen hủy hoại mình (lao vào những mối quan hệ độc hại, che giấu cảm xúc, trốn tránh trách nhiệm chăm sóc, phát triển bản thân). Chữa lành là quá trình “unlearn” những thói quen mà chúng ta được môi trường trưởng thành của mình “cài đặt” vào. Là việc bắt đầu có ý thực chọn chăm sóc, yêu thương và tôn trọng bản thân. Đây là 1 cuộc hành trình dài không lối tắt, đòi hỏi bạn có ý thức luyện tập nó MỖI NGÀY với một sự kiên trì, nhẫn nại.